Bệnh viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh trên người.
Vi-rút phát triển nhanh trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng. Tuy nhiên, vi rút dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 550C và các loại hóa chất khử trùng được sử dụng để diệt vi rút như chloroform, formalin (1%), Iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%)…
Đường truyền lây truyền bệnh chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; do tiếp xúc trực tiếp giữa trâu bò mắc bệnh và trâu, bò khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, sữa, tinh dịch. Dịch bệnh xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng ấm, khi côn trùng phát triển và hoạt động mạnh. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10-20 %, tỷ lệ chết khoảng 1-5 %. Trâu, bò mắc bệnh thường bị sốt, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu; hình thành các nốt sần có hình tròn, chắc và nhô cao trên da; các nốt sần lớn có thể bị hoại tử, xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo.
Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam từ giữa tháng 10/2020, đến nay bệnh đã xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố trên cả nước với trên 44.700 con trâu, bò mắc bệnh, 5.100 con bị chết và tiêu huỷ. Hiện nay, cả nước còn 1.265 ổ dịch tại 185 huyện của 28 tỉnh, thành phố trong đó có các tỉnh tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ như Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Nội. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh Viêm da nổi cục sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi, nắng nóng là mùa phát triển của các loại côn trùng truyền bệnh như muỗi, ruồi, ve, mòng,…
Hiện nay, bệnh Viêm da nổi cục chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy người chăn nuôi cần chủ động các biện pháp Phòng bệnh như sau:
Thứ nhất: Chủ động tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò, đây là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Hiện tại, trong nước đã có vắc-xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ và vắc-xin Mevac LSD của Ai Cập đã được nhập khẩu, thử nghiệm và có chỉ định sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Thứ hai: Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bằng các loại hoá chất, vôi bột; có biện pháp diệt các loại côn trùng (muỗi, ruồi, ve) trong và ngoài chuồng nuôi để cắt đứt đường truyền lây của bệnh; luôn dọn vệ sinh để giữ cho chuồng trại khô dáo, sạch sẽ; không để nước đọng, phân rác ô nhiễm trong chuồng nuôi.
Thứ ba: Không chăn thả trâu, bò tập trung tại các bãi chăn thả; tăng cường chăm sóc để nâng cao sức đề kháng của đàn trâu, bò.
Thứ tư: Theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe đàn trâu bò để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh, báo cáo cho UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bệnh viêm da nổi cục không lây bệnh sang người và hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả. Theo quy định của pháp luật đây là bệnh truyền nhiễm trên động vật cấm buôn bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật mắc bệnh. Người chăn nuôi, người tiêu dùng không nên quá hoang mang, lo lắng; không bán chạy gia súc mắc bệnh gây thiệt hại về kinh tế và làm phát tán mầm bệnh./.
Triệu Thị Hồng Hiệp - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ