Nhảy đến nội dung

Một số bệnh thường gặp ở trâu, bò trong mùa hè

Nghe bài viết Play Pause

Vào mùa hè, thời tiết oi bức, nắng nóng, nhiệt độ
thường lên cao là một trong những yếu tố gây bất lợi làm gia súc ăn ngủ kém,
mất cân bằng chất điện giải gây ra rối loạn quá trình trao đổi chất, sức đề
kháng suy giảm, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh dễ xâm nhập và lây lan
nhanh, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi; Chúng tôi giới thiệu cách
phòng trị một số bệnh thường gặp ở trâu bò trong mùa hè.

1. Bệnh ỉa chảy:

* Triệu chứng: Bệnh thường bị ở bê, nghé non nhiều hơn trâu, bò
trưởng thành; Khi mắc bệnh ở giai đoạn đầu, bê, nghé thường có biểu hiện như
sốt nhẹ khoảng 39-400C, mệt mỏi, ăn kém, uống nước nhiều, ỉa phân lỏng có màu
xám vàng hoặc xám xanh có mùi tanh khó chịu.

Nếu bị nặng, bê, nghé ỉa nhiều lần trong ngày, phân
toàn nước, đôi khi có máu, mất nước, mất muối trong cơ thể và chết do kiệt sức;
Nếu điều trị không kịp thời, tỷ lệ bê, nghé chết từ 30-40%, do đó cần phát hiện
bệnh sớm để có biện pháp điều trị.

* Điều trị:

- Sử dụng Kanamycine dạng bột, theo liều 200mg/kg thể
trọng, pha với nước cất tiêm cho bê, nghé, liều tiêm chia 2 lần/ngày, phối hợp
với Biseptone dạng viên, theo liều lượng 30mg/kg thể trọng, pha nước cho bê,
nghé uống 2 lần/ngày. Dùng Atropine tiêm theo liều 1ml/15-20kg thể trọng, để
giảm co thắt ruột và giảm ỉa chảy.

- Kết hợp sử dụng thuốc trợ sức, trợ tim mạch như:
Cafein hoặc long não nước, kết hợp Vitamin B1, C tiêm cho bê, nghé. Các trường
hợp bị nặng phải truyền dung dịch nước đường đẳng trương hoặc nước muối sinh lý
vào tĩnh mạch cho bê, nghé theo liều 0,5-0,8 lít/ bê, nghé.

- Ngoài ra, kết hợp sử dụng 300g lá ổi hoặc lá phèn
đen + 1 lít nước rồi đun sôi, gạn lấy 0,5 lít cho bê, nghé uống 1-2 lần/ngày,
mỗi lần từ 0,2-0,5 lít.

2. Bệnh giun đũa ở bê, nghé

* Triệu chứng: Bệnh thường xảy ra vào cuối mùa xuân và mùa hè,
thường thấy ở bê, nghé từ 1-3 tháng tuổi. Bê, nghé nhiễm giun có triệu chứng
đặc trưng là ỉa lỏng, phân trắng, có mùi tanh khắm; Do giun đũa chiếm đoạt chất
dinh dưỡng và tiết độc tố vào máu nên bê, nghé gầy, thiếu máu, rối loạn tiêu
hóa, ỉa chảy phân trắng rất nặng, thường chết do kiệt sức với tỷ lệ khoảng
30-40%.

* Điều trị:

- Đối với bê, nghé dưới 2 tháng tuổi dùng: Levamisol,
liều lượng 1ml/kg thể trọng, tiêm dưới da; Vitamin ADE liều lượng 3ml/con, tiêm
bắp thịt; Cafein Natribenzoat 5ml/con, tiêm bắp thịt; Sau một tháng tiêm lặp
lại lần 2 để chống tái nhiễm.

Đối với bê, nghé trên 2 tháng tuổi, sử dụng Ivermectin
tiêm dưới da với liều  1ml/12 kg thể
trọng đồng thời tiến hành tiêu diệt các loại ngoại kí sinh trùng khác như ve,
rận,… kết hợp với các thuốc trợ sức như Vitamin ADE, Cafein Natribenzoat…

3. Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò.

* Triệu chứng:

- Bệnh do vi khuẩn tụ huyết trùng có nhiều typ khác
nhau gây bệnh cho các lọai gia súc và gia cầm, là bệnh lây lan mạnh có thể làm
chết hàng loạt trâu bò và một số gia súc khác. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường
tiêu hóa, hô hấp và tiếp xúc giữa trâu, bò bệnh và trâu, bò khỏe, do ăn phải
rơm, cỏ hoặc nước nhiễm mầm bệnh.

- Bệnh thường xảy ra ở hai thể: Thể quá cấp tính và
thể cấp tính.

+ Thể quá cấp tính: Bệnh tiến triển và làm gia súc
chết rất nhanh; Trước lúc chết có triệu chứng thần kinh, điên loạn, mắt đỏ
ngầu, sau tím tái ngã vật rồi chết.

+ Thể cấp tính: Gia súc mệt mỏi, bỏ ăn, sốt 41-420C,
niêm mạc mắt đỏ sẫm, thủy thũng vùng hầu, cổ; Hai bên má mặt sưng, lưỡi thè ra
không cử động được, nước dãi chảy thành dòng hoặc có bọt trắng xóa; Gia súc
không ợ hơi, nhai lại và bụng trướng to, khó thở, thở khò khè, ho khan; Phân
lúc đầu đi táo, sau ỉa chảy có lẫn máu.

* Điều trị: Có thể dùng 1 trong các loại kháng sinh sau: Streptomycin: 10mg/kg thể
trọng, ngày tiêm bắp 2 lần; Kanamycin: 2g/1con, tiêm bắp; Tetramycin: 4mg/kg
thể trọng, ngày tiêm bắp 2 lần.

Để phòng có hiệu quả cả 3 bệnh trên, người chăn nuôi
cần tích cực chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ để gia súc tăng cường sức đề kháng cho
cơ thể. Thường xuyên vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng trại đảm bảo thoáng mát
về mùa hè, ấm áp và tránh gió lùa trong mùa đông. Luôn giữ vệ sinh chuồng trại,
thu gom phân  để ủ nhằm tận dụng nhiệt độ
cao khi ủ làm mất hiệu lực gây bệnh của trứng và ấu trùng giun đũa. Tránh các
bãi chăn thả ẩm thấp, nhiều chất thải của trâu bò. Tẩy giun định kì cho bê,
nghé; Riêng đối với bệnh Tụ huyết trùng, phải sử dụng vắc xin tụ huyết trùng
tiêm phòng định kì 2 lần/năm.
KS. Trần Linh Chi